5 Bước giúp bạn cải thiện kỹ năng Network một cách nghiêm túc

Không có bình luận

Dù bạn làm nghề gì, networking luôn là kỹ năng cần có để nhanh chóng thành công. Networking không chỉ giúp bạn học hỏi từ người bạn gặp trực tiếp; những lợi ích khác từ việc mở rộng mạng lưới quan hệ nói chung cũng rất đáng để bạn quan tâm.

Một vài người trong số chúng ta có ác cảm với networking. Có thể họ không biết bắt đầu từ đâu, phải nói cái gì hay làm thế nào để duy trì mối quan hệ. Mặc dù tôi thực sự tin rằng networking và tất cả những gì liên quan đến việc xây dựng quan hệ là cả một môn nghệ thuật vĩ đại bao hàm những triết lý khoa học riêng, trong bài viết này, tôi sẽ lựa chọn ra những chân lý quan trọng nhất để bạn networking hiệu quả.

BƯỚC 1: CHUẨN BỊ TÂM LÝ

Đầu tiên, hãy quên từ working (làm việc) trong networking đi. Có những người khoác lên mình một bộ cánh mới hoàn toàn mỗi khi networking, và tôi tự hỏi khi xong việc họ mất bao nhiêu thời gian để quay lại là chính họ. Tôi hiểu bạn có thể thấy bản thân chưa hoàn hảo và muốn tạo ấn tượng tốt nhất với đối phương, nhưng bạn phải hiểu rằng những người này đã gặp hàng chục, hàng trăm người có suy nghĩ giống bạn, và họ dễ dàng nhận ra ai đang đeo mặt nạ, ai không.

Những mối quan hệ lâu dài đều xuất phát từ sự chân thành chứ không phải chức vụ ghi trên danh thiếp. Bất kể bạn đang muốn tạo quan hệ với ai, hãy đối đãi với họ như một người bạn thay vì một đối tác, như vậy mối quan hệ mới có thể phát triển tốt hơn. Hãy tìm hiểu xem bạn và họ có chung mối quan tâm gì, tỏ ra thoải mái trong khi trò chuyện, thêm gia vị bằng một vài câu đùa, và hơn hết, chứng tỏ là bạn quan tâm đến họ.

GIAI ĐOẠN 2: XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU

Giống như một chiếc xe đầy xăng chạy mà không biết đích đến ở đâu, làm việc mà không có chủ đích gây lãng phí thời gian quý báu của bạn.

Tôi là người cổ vũ cho tư tưởng làm việc có mục đích đàng hoàng và từ đó tập trung trí lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Nghề nghiệp mơ ước của bạn là gì? Bạn mường tượng tương lai sẽ ra sao? Việc gì làm bạn thấy thỏa mãn, hạnh phúc và có động lực nhất? Hãy viết ra những mục tiêu trong 5 năm tới, tiếp theo là là kế hoạch 1 năm để tiến tới mục tiêu 5 năm, cuối cùng là kế hoạch 90 ngày để tiến tới mục tiêu 1 năm.

Ví dụ, mục tiêu 5 năm của bạn là kiếm được 1 triệu USD. Bạn cần có “phương tiện” để đạt được số tiền này, có thể là từ việc tự kinh doanh, các khoản đầu từ hay một công cụ tài chính nào khác. Ở đây, hãy cho rằng kế hoạch 1 năm là khởi nghiệp và đạt doanh số bán hàng 5000 USD mỗi tháng.

Tiếp theo, hãy suy nghĩ xem trong 90 ngày tới bạn phải làm gì để đạt mức 5000 USD mỗi tháng trong 1 năm tới? Có thể là tìm một đối tác phù hợp, hoặc tìm được khách hàng đầu tiên cho bạn.

Mục tiêu 5 năm: Kiếm 1 triệu USD

Mục tiêu 1 năm: Đạt doanh thu bán hàng 5.000 USD/tháng (60.000 USD mỗi năm)

Mục tiêu 90 ngày: Tìm được khách hàng đầu tiên rút ví.

Ngay từ bây giờ, hãy bắt đầu cầm bút lên và viết mục tiêu ra giấy.

GIAI ĐOẠN 3: LẬP BẢN ĐỒ CÁC MỐI QUAN HỆ

Khi đã lập ra kế hoạch 5 năm, bao gồm những mục tiêu gần cũng như xa, hãy bắt đầu liệt kê những người bạn cần tạo quan hệ.

Bước 1: Viết ra những mục tiêu 5 năm, 1 năm, 90 ngày cần hoàn thành

Bước 2: Tương ứng với mỗi mốc thời gian, chọn ra 3 người có thể giúp đỡ bạn bắt đầu hoặc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu. Đây có thể là những người bạn đã từng gặp, người quen của người quen, hay những người bạn chưa gặp bao giờ.

3 người này có thể là các cố vấn, khách hàng từng ủng hộ bạn, nhà đầu tư chia sẻ tầm nhìn với bạn, những thành viên chủ chốt trong công ty như người đồng sở hữu hay những nhân viên có giá, các lãnh đạo, quản lý có thể giúp bạn leo lên vị trí cao trong công ty, hay các “superconnector” có thể kết nối bạn với những người có vai vế. (xem thêm ở phần dưới)

Nếu bạn muốn mở công ty, 3 người này có thể là đối tác tiềm năng, nhà đầu tư và khách hàng tương lai. Nếu bạn bán sách, hãy tìm người đại diện, đối tác quảng cáo và biên tập viên.

Điều quan trọng là bạn phải đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ lưỡng để chắc chắn rằng đây là 3 nhân vật cần thiết nhất có thể giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu.

GIAI ĐOẠN 4: XÂY DỰNG QUAN HỆ CHÂN THÀNH

Làm thế nào để tạo cảm giác gần gũi khi bạn nói chuyện với người khác – dù cho là trên skype, qua điện thoại hay gặp mặt trực tiếp? Theo tôi có 3 trọng tâm sau đây:

Đặt câu hỏi có chiều sâu (để khiến đối phương phải suy nghĩ). Bạn có thể hiểu thêm về đối phương qua cách họ đặt câu hỏi. Diễn giả Tony Robbins chia sẻ rằng cách bạn đặt câu hỏi  sẽ nói lên bạn là ai.

Câu hỏi càng hay sẽ nhận được câu trả lời càng thú vị. Peter Thiel, huyền thoại trong giới đầu tư Mỹ, thường đặt ra những câu hỏi mang tính thách đố như: “Làm sao để đạt được kế hoạch 10 năm chỉ trong vòng 6 tháng?” Những câu hỏi hay sẽ định vị bạn trong mắt đối phương, đồng thời giúp họ nhìn nhận lại mình để phát triển bản thân.

Luôn toàn tâm toàn ý với đối phương. Việc này nghe thì có vẻ dễ, nhưng không ít người lại chật vật với hành động tưởng chừng giản đơn này. Với vô số các thiết bị di động trên tay, tập trung là một kỹ năng mà ai cũng phải học. Bạn đã bao giờ nói chuyện những người luôn buồn chồn, nhìn xung quanh hoặc liên tục chen ngang lời bạn nói chưa? Thực ra, chỉ cần bạn giao tiếp bằng mắt, chăm chú lắng nghe và đưa ra câu trả lời xác đáng, bạn đã khá hơn rất nhiều người khác và có lợi thế hơn hẳn trong việc xây dựng mối quan hệ chân thành.

Hãy nhớ 3 điều: Lắng nghe, Hỏi hay, Tập trung.

GIAI ĐOẠN 5: TRỞ THÀNH MỘT SUPERCONNECTOR

Cách nhanh nhất để phát triển mạng lưới quan hệ của bản thân là hãy giới thiệu 2 người mà bạn quen với nhau, và hai người này có thể giúp đỡ nhau trong công việc. Nghe thì có vẻ thể đơn giản, nhưng thực tế hiếm ai sẵn sàng làm điều này. Nếu bạn từng gặp ai chủ động giúp đỡ bạn làm quen với người khác, những “thánh nhân” này chính là các Superconnector.

Hiện nay, với hơn 3 tỷ người online mỗi ngày, việc “gạn đục khơi trong” giữa đám đông ăn theo và số ít những người có khả năng kết nối cộng đồng là vô cùng khó. Lúc này đây, vị trí của các superconnector càng được nâng cao, và nếu cố gắng, bạn hoàn toàn cũng có thể trở thành một superconnector qua những lời khuyên sau:

Bỏ đi suy nghĩ có qua có lại. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa các superconnector và những người quan hệ rộng khác. Một người là superconnector luôn sẵn sàng cho đi, chia sẻ và giúp đỡ người khác mà không đòi hỏi lại điều gì.

Hãy kết bạn chứ đừng chỉ đi rải danh thiếp. Chất lượng hơn số lượng. Đừng chỉ quan tâm đến những tấm danh thiếp, mà hãy làm bạn với những người mình gặp. Trừ trường hợp bất khả kháng, tôi luôn cố gắng không đề cập đến công việc với người mới quen. Bạn nên nhớ rằng, làm thân với 5 người có ích hơn rất nhiều việc bạn đưa danh thiếp cho 50 người bạn không nhớ nổi tên.

Kết nối các superconnectors khác. Nếu bạn nghĩ những superconnector mình quen biết có thể giúp đỡ nhau trong làm ăn, hãy giới thiệu họ với nhau. Đây là cách dễ nhất để tạo quan hệ vì những ngườii này thường rất quảng giao và có nhiều bạn chung. Việc này không chỉ có lợi cho họ mà còn cho bạn nữa, vì những người này sẽ thấy mang ơn bạn và sẵn sàng giúp đỡ bạn làm quen với những nhân vật có tầm ảnh hưởng khác.

Hẹn phỏng vấn. Nếu thực hiện việc này một cách có chiến lược, đây là con đường ngắn nhất để mở rộng mạng lưới quan hệ của bạn. Bạn có thể phỏng vấn những người mà ngoài đời bạn ít có cơ hội tiếp xúc nhân dịp làm báo cáo nghiên cứu, viết sách hay sản xuất podcast.

Giữ liên lạc. Đây là bước nhiều người trong chúng ta thường bỏ quên. Nhưng chỉ cần thi thoảng bạn nhấc điện thoại hỏi han ngắn gọn tình hình công việc và cuộc sống của họ, mối quan hệ giữa bạn và đối phương sẽ trở nên thân mật hơn hẳn. Khi mà nhiều người chỉ quan tâm đến thiệt hơn, việc bạn quan tâm đến đối phương như bạn bè sẽ khiến bạn trở nên nổi bật trong mạng lưới quan hệ của họ.

Ngay lúc này đây bạn có nghĩ đến ai đã lâu không liên lạc không?

Nguồn : Entrepreneur

CHIA SẺ

TIN TỨC LIÊN QUAN

NHÂN HIỆU

DANH THIẾP ĐIỆN TỬ

Menu